Tình hình thực hiện SA 8000 ở Việt Nam và những khó khăn thách thức

Tình hình thực hiện SA 8000 ở Việt Nam và những khó khăn thách thức

2018-10-03 00:00:00 4791

        Trong khi tiêu chuẩn SA 8000 là một trong 3 tiêu chuẩn (ISO 9000, ISO 140000 và SA 8000) được xem là bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá (đặc biệt là hàng dệt – may) sang thị trường Mỹ và Châu Âu, thì số lượng doanh nghiệp áp dụng SA 8000 tại Việt Nam lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này khiến các nhà kinh tế vô cùng lo ngại.

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 551 đơn vị đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9000, 21 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000, nhưng mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quản lý trách nhiệm xã hội và điều kiện lao động SA 8000. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, vì hiện tiêu chuẩn SA 8000 là một trong 3 tiêu chuẩn (ISO 9000, ISO 140000 và SA 8000) được xem là bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá (đặc biệt là hàng dệt – may) sang thị trường Mỹ và Châu Âu.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, việc thực hiện SA 8000 tại Việt Nam có rất nhiều thuận lợi bởi những tiêu chuẩn của SA 8000 có nhiều điểm tương đồng với các văn bản pháp luật và các chính sách liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt Bộ luật Lao động cũng như quy định của Nhà nước thì đã đáp ứng gần như các tiêu chuẩn của SA 8000.

Các nhà quản lý ở các công ty đã áp dụng tiêu chuẩn SA 8000 ở Việt Nam đều cho rằng, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn này không khó. Nền tảng của tiêu chuẩn này chính là thực hiện tốt Bộ luật Lao động và xây dựng tác phong công nghiệp trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tạo mối quan hệ tôn trọng đoàn kết, gắn bó giữa những người lao động. Bộ luật Lao động Việt Nam cũng quy định cấm phân biệt đối xử, ngược đãi, cưỡng bức người lao động và khống chế số giờ làm thêm (không quá 4 giờ/ngày và 200 giờ/năm) SA 8000 quy định giờ làm việc chuẩn (8 giờ/ ngày hoặc 48 giờ/tuần). Những vấn đề về kỷ luật lao động, tiền lương trong Bộ luật Lao động cũng được đề cập xử lý tương tự như yêu cầu của SA 8000.

Qua một số nghiên cứu sơ bộ và khảo sát về việc áp dụng các tiêu chuẩn SA 8000 do nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiến hành, việc áp dụng SA 8000 trong các doanh nghiệp Nhà nước có nhiều thuận lợi, bởi các doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc và các điều luật về lao động, vốn rất gần gũi với các quy định của Luật Lao động quốc tế mà SA 8000 lấy đó làm nền tảng. Việc áp dụng SA 8000 trong các doanh nghiệp Nhà nước cũng giúp triển khai cụ thể và đi sâu vào khía cạnh hiệu quả của hoạt động quản lý lao động, nên gặp rất nhiều thuận lợi và ủng hộ từ các cấp quản lý cũng như ngay chính công nhân. Ngược lại, áp dụng SA 8000 trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tuy có phần khó khăn hơn, nhưng sức ép từ phía công ty nhập khẩu sẽ là động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp này áp dụng SA 8000.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chính sách với người lao động tốt hơn so với yêu cầu của SA 8000. Thu nhập của người lao động tại nhiều doanh nghiệp còn cao hơn mức tối thiểu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực. Nhưng hiện tại, số doanh nghiệp Việt Nam được chứng nhận đạt SA 8000 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân hàng đầu là sự nhận thức: Nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được sự cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn này cho hội nhập, chưa nhận thức được rằng, ngày nay, các nhà nhập khẩu nước ngoài chịu sức ép lớn từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức công đoàn, các nhóm tư vấn và cả giới truyền thông. Lý do mà doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa thực hiện áp dụng tiêu chuẩn này vì họ không thấy được lợi ích thiết thực và lâu dài mà SA 8000 mang lại. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn khá mơ hồ về SA 8000. Nhiều doanh nghiệp có ý định thực hiện, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, kinh phí bao nhiêu.

Những khó khăn chủ yếu trong việc áp dụng SA 8000 tại Việt Nam hiện nay 

·         Nhận thức của doanh nghiệp về SA 8000. Hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam đều nhìn nhận SA 8000 như một vấn đề mâu thuẫn với mục tiêu tạo cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận, không phù hợp với mục tiêu kinh doanh.

·         Các doanh nghiệp không muốn tiết lộ các ghi chép tài chính, đặc biệt trong các doanh nghiệp tư nhân.

·         Không có khả năng chi trả chi phí áp dụng SA 8000 (chi phí đánh giá, chi phí thực hiện những thay đổi để áp dụng SA 8000). Nhiều công ty muốn được giám định công khai, nhưng không đủ chi phí cho việc giám định.

·         Sự cách biệt văn hoá giữa khách hàng và nhà cung cấp. Do các quy định đạo đức của từng công ty thường được các công ty đa quốc gia áp đặt một chiều đối với các đơn vị gia công, nên nội dung thực hiện của các tiêu chuẩn không phản ánh được nhu cầu và giá trị địa phương. Việc này sẽ dẫn đến những khó khăn trong áp dụng SA 8000.

·         SA 8000 là mục tiêu ít được ưu tiên, đặc biệt trong những thời điểm kinh tế suy thoái. Ngay cả khi hệ thống SA 8000 hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao hơn về lâu dài, nhưng nhiều công ty vẫn không muốn đầu tư phục vụ nhu cầu trước mắt để thực hiện SA 8000.

·         Thực tế của hoạt động gia công gây ra nhiều khó khăn trong việc xác định khối lượng công việc giám sát. Các công ty đa quốc gia sẽ đòi hỏi tất cả các nhà cung cấp và đơn vị gia công thực hiện tiêu chuẩn SA 8000. Nhưng bản chất của hoạt động gia công đảm đương phần lớn công đoạn sản xuất khác nhau tại các doanh nghiệp độc lập, làm cho việc giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và đòi hỏi các đơn vị gia công áp dụng SA 8000 trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, như đã phân tích, việc áp dụng SA 8000 không những đem lại nhiều lợi ích trong cạnh tranh, mà còn là điều kiện tất yếu đối với các sản phẩm muốn hội nhập với thị trường thế giới, nên dù còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và áp dụng SA 8000 là nhiệm vụ cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. SAI cũng đã có nhiều chương trình để tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ở các nước đang phát triển trong việc xây dựng và xin cấp chứng nhận SA 8000.

[AHEAD tổng hợp và biên tập]

  • Từ khóa:

Bình luận:

Trụ sở chính: AHEAD Hà Nội

Số 18 Tam Trinh, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Phone:

0913567755 - 0919442077

Email:

sale@ahead.com.vn

VPĐD 1: AHEAD Hồ Chí Minh

8/29 Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh
Phone:

0986.077.845

VPĐD 2: AHEAD Đà Nẵng

498 Bùi Trang Chước, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Tp Đà Nẵng
Phone:

0935.516.518